Hôm nay lướt face, mình tình cờ đọc được bài viết của một chị mong muốn bày tỏ nỗi lòng. Chị gần 30, nhưng đôi lúc cảm thấy yếu đuối, kém cỏi khi một mình ngồi khóc ở văn phòng vào cuối giờ làm. Bởi có những tủi thân chưa được nói ra, những tức giận không thể giải tỏa.
❉ ❉ ❉
Giận dữ thường là cảm xúc bị gán nhãn tiêu cực. Nhiều người muốn kìm nén hoặc loại trừ nó ra khỏi cuộc sống. Thực tế, cơn giận đem lại sức mạnh bổ sung cho lòng trắc ẩn và lòng tự trọng. Giận dữ, trong hình thái tích cực, giúp bạn nhận ra những điều cần thay đổi. Khi giận dữ, điều đó cho thấy bạn đang bảo vệ những giá trị, niềm tin và ranh giới cá nhân. Bạn tức giận khi vô tình xem một clip xàm xí đú trên TikTok. Bạn tức giận khi nghe thấy một điều trái tai gai mắt. Bạn tức giận khi thấy kẻ trên cơ ức hiếp người yếu thế…
Giận dữ là cơ hội để lắng nghe và hiểu rõ nhu cầu sâu kín của bản thân. Chỉ khi chấp nhận cơn giận, bạn mới có thể sử dụng nó một cách hữu ích. Khi giận dữ, bạn biết rằng đang chịu đựng một điều gì đó quá sức chịu đựng. Từ sự nhận biết này, lòng trắc ẩn bắt đầu xuất hiện, không chỉ cho bản thân mà còn cho người khác. Lúc này, bạn nhìn vấn đề dưới nhiều chiều kích, để luận giải cho những hành động, lời nói gây nên sự giận dữ trong bạn.
❉ ❉ ❉
Chỉ những người sơ hở là giận, sơ hở là hờn mới thực sự có vấn đề. Họ không thể kiểm soát bản thân, không phân biệt được ranh giới trạng thái tâm lý tích cực và tiêu cực; thấy hoàn cảnh, nhưng dễ dàng phóng đại thành nghịch cảnh. Giận dữ, cũng như mọi cảm xúc vui vẻ, yêu thương, tuyệt vọng, căm thù… cần hiện diện xoay tròn trong game mang tên cuộc sống. Nếu thiếu đi sự giận dữ, nhịp tim và khối óc sẽ thiếu vắng những khoảnh khắc bùng nổ. Và bạn, cũng không còn là mình.
Hãy cứ vui vẻ khi có thể, và tức giận khi không thể. Thừa nhận cơn giận cần rất nhiều can đảm. Tha thứ cho bản thân, tha thứ cho ai đó, cũng cần rất nhiều can đảm.