Trong 50 hồ sơ ứng tuyển vị trí Content Writer gửi về, anh đặc biệt chú ý đến Trâm, cô gái tốt nghiệp chuyên ngành truyền thông trước đó 6 tháng với “king nghiệm” làm intern cho 2 công ty khác nhau. Ngoài không có kinh nghiệm làm content mà dám ứng tuyển, điều đặc biệt khác ở Trâm khiến anh chú ý: đôi mắt buồn ẩn dưới hàng mi cong vút.
Ngày phỏng vấn, Trâm xuất hiện như bước ra từ trong tưởng tượng của anh: dịu dàng, lễ phép, nhỏ nhẹ như bông hoa Gen Z vừa chớm. Buổi phỏng vấn diễn ra khác xa những gì Trâm từng biết, từng trải, bởi cách phỏng vấn của anh không giống bất kỳ ai: chân thành và thẳng thắn ngay khi chưa bắt đầu công việc. Những lời bên dưới anh nói với Trâm, cũng là nói với em, về khoảng trời intern của những năm tháng đầu tiên đi làm.
Đừng chọn bừa một nơi để học việc hay xin việc
Đầu tiên, em phải thích môi trường và văn hoá ở đó. Môi trường bao gồm không gian, không khí và con người. Nếu em là người trầm lặng, khép kín, hãy chọn một nơi tránh xa ồn ào. Ngay khi bước vào buổi phỏng vấn, em hãy tập thói quen quan sát. Văn hoá thể hiện ở người phỏng vấn và nội dung phỏng vấn. Nếu nó không khớp với mong đợi của em, hãy từ chối lời đề nghị. Chó dại có mùa, người dại quanh năm. Đừng dại dột quanh quẩn nơi không phù hợp. Không hợp để intern, chắc chắn không hợp để gắn bó.
Đừng chọn sếp không có chuyên môn em cần
Intern có thể làm những việc lặt vặt, nhưng chỉ làm những việc lặt vặt không đáng để intern. Thà làm việc lớn cho công ty nhỏ, còn hơn làm việc nhỏ cho công ty lớn. Trong thời gian 2 tháng intern, một người sếp chu đáo thường có 3 đặc điểm sau đây. Thứ nhất: liệt kê công việc và mục tiêu cụ thể bằng con số. Thứ hai: luôn có mặt khi em cần trao đổi chuyên môn, luôn có các chỉ dẫn quan trọng khi em bắt đầu và kết thúc. Thứ ba: giao những công việc đầy thử thách, vượt khung năng lực, nhưng em cảm thấy hứng thú để trải nghiệm.
Đừng chọn im lặng, khi em có thể lên tiếng
Một người mới bao giờ cũng tìm cách thể hiện mình. Nếu làm trong ngành content quảng cáo như anh, hãy tự do lên tiếng khi em gặp 3 trường hợp này. Đầu tiên: ý tưởng nào đó em cảm thấy chưa ổn, có thể làm khác đi, và em có hướng mới để thực hiện. Thứ hai: đừng ôm hết deadline vào lòng rồi bật chế độ tắt máy. Và cuối cùng: hãy chọn một dịp vui vẻ để ăn mừng, cho dù đang cạn túi.
Đời người được mấy lần intern. Điều quan trọng là giữ được tâm thức của người đi làm, tâm trạng của người đi chơi. Khoảng trời intern có nhiều thứ để mất hơn em nghĩ, trong đó mất niềm tin vào nghề và nghiệp em đang muốn làm là cái mất đầu tiên. Cái mất tiếp theo sẽ xuất hiện trong 2 năm sau: mất niềm tin vào bản thân, để rồi mãi loay hoay với câu hỏi: Giá như trước đây mình…?